(Lịch sử viết bằng thơ)
Trong xã hội nguyên thủy,
Mọi người sống với nhau,
Không khái niệm đẳng cấp,
Sang hèn hay nghèo giàu.
Cùng chung sức làm việc,
Không tranh giành miếng ăn.
Không khái niệm bóc lột.
Không ghen ghét, thù hằn.
Vào thời tối cổ ấy
Thức ăn còn chưa nhiều,
Lại sống cùng thú dữ,
Quả khốn khó nhiều điều.
Cùng với sự tiến hóa,
Con người đã khôn dần,
Biết chế tạo công cụ,
Kiếm được nhiều thức ăn.
Họ biết nuôi gia súc,
Trồng ngũ cốc, rau xanh,
Lấy vỏ cây dệt vải,
Làm đồ gốm, đồ sành.
Tuy nhiên, công cụ đá
Dẫu tiến bộ rất nhiều,
Nhưng năng suất lao động
Chẳng hơn được bao nhiêu.
Sáu nghìn năm về trước,
Con người tìm thấy đồng,
Cùng các kim loại khác
Rồi học cách gia công.
Họ chế tao nông cụ,
Các vật dụng trong nhà,
Cả các đồ trang sức,
Xẻ gỗ để dựng nhà.
Nhờ có công cụ mới,
Họ khai phá đất hoang,
Săn bắt nhiều dã thú,
Sản xuất, trao đổi hàng.
Rồi hàng hóa, lương thực
Được làm ra cuối cùng
Vừa nhiều vừa đa dạng,
Vượt quá mức tiêu dùng.
Số lượng dư thừa ấy
Được những người thông minh
Hay khỏe mạnh chiếm giữ
Làm của riêng cho mình.
Họ ngày càng giàu có,
Không cùng làm, cùng ăn,
Mà trở thành bóc lột,
Và thế là dần dần
Một giai cấp xuất hiện,
Sống bằng bóc lột người.
Xã hội cũ tan rã,
Xã hội mới ra đời.
*
Cái xã hội nguyên thủy,
Dạng xã hội đầu tiên,
Đại khái là thế đấy,
Như ông vừa kể trên.
Mai, trước khi kể tiếp,
Về lịch sử nước nhà,
Ông sẽ điểm ngắn gọn,
Kiểu cưỡi ngựa xem hoa,
Một số quốc gia cổ,
Cả Đông và cả Tây.
Các cháu đồng ý chứ?
Thôi, tạm dừng hôm nay.
À mà khoan, gượm đã,
Có chuyện ngụ ngôn này,
Ông kể cho các cháu,
Bảo đảm là rất hay.
Ông Esop viết nó
Cách đây ba nghìn năm,
Một nô lệ Hy Lạp,
Nếu ông nhớ không nhầm.
Các cháu lắng nghe nhé,
Vừa hay vừa thông minh.
Nghe xong, phải cố gắng
Rút bài học cho mình.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét